Thành công trong lĩnh vực điện năng và tự động hóa tại Việt Nam phải dựa vào rất nhiều các yếu tố nền tảng. Thông qua một số các dự án lớn mà ABB tham gia tại Việt Nam, ông James Mullen, Giám đốc phụ trách dự án trọng điểm, Công ty TNHH ABB tại Việt Nam, đã chia sẻ với IA Vietnam những suy nghĩ về tiềm năng của các dự án đang được thực hiện chiến lược tại Việt Nam.
Thưa ông, ông vui lòng cho biết tên các dự án trọng điểm mà ABB đang tham gia tại Việt Nam và quy mô của những dự án đó?
Đầu tiên là dự án mỏ khoáng sản Núi Pháo của tập đoàn Masan với tổng giá trị khoảng 400 triệu đô la sẽ bắt đầu đi vào hoạt động vào nửa đầu năm 2013. ABB Việt Nam được chọn cung cấp hơn 90% các thiết bị điện phục vụ cho dự án này.
Tiếp đến là Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh, với tổng giá trị khoảng 15 tỷ đô la, giai đoạn đầu sẽ được hoàn thành vào năm 2014. ABB Việt Nam sẽ cung cấp các trạm điện và bộ chuyển mạch GIS có giá trị khoảng 50 triệu đô la cho dự án này.
ABB Việt Nam thực hiện các dự án này bằng năng lực trong nước hay nhận sự hỗ trợ từ ABB ở các nước khác?
Mỗi dự án đều có quy mô, yêu cầu và người sử dụng cuối cùng khác nhau. Đối với hai dự án lớn của ABB hiện nay, chúng tôi có các cách khác nhau để thực hiện.
Đối với dự án mỏ khoáng sản Núi Pháo của tập đoàn Masan có một công ty tổng thầu thực hiện phần lớn các công việc thiết kế kỹ thuật. ABB Việt Nam tham gia vào việc cung cấp và lắp đặt thiết bị phục vụ cho các thiết kế kỹ thuật đó.
Nhưng với dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh lại không có công ty tổng thầu, do đó ABB chịu trách nhiệm về cả phần thiết kế kỹ thuật và cung cấp thiết bị. Để phục vụ cho dự án này, chúng tôi cần phối hợp giữaABB Việt Nam, ABB Đài Loan và ABB Thụy Sĩ.
Ông đánh giá thế nào về những thách thức và cơ hội của ABB tại thị trường Việt Nam? Bên cạnh đó xin ông hãy chia sẻ thêm một số thị trường mới mà ABB có cơ hội để phát triển?
Nhìn từ góc độ toàn cầu, Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ và thu hút đầu tư. Chúng tôi nhận thấy điều này qua các dự án đầu tư lớn của Formosa, Samsung, Nokia và thậm chí là của chính ABB. Nhiều quốc gia đang tích cực đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Xét từ góc độ này, ABB có rất nhiều cơ hội tại thị trường Việt Nam.
Những thách thức tất yếu trong thời điểm hiện nay thì tôi cho là tình hình tài chính thắt chặt, sự chậm trễ trong phê duyệt dự án, một số quy định không rõ ràng, và thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp.
Nếu biết cách cân bằng những cơ hội và thách thức trong kinh doanh như đã nói ở trên thì các ngành công nghiệp như hàng tiêu dùng nhanh, các dự án quy mô lớn, sản xuất công nghệ cao vẫn mang đến những tiềm ẩn nhiều hấp dẫn.
Mục tiêu chính trong kế hoạch của ABB Việt Nam là gì, thưa ông?
Mục tiêu chính củaABB tại Việt Nam là tăng cường sử dụng các nguồn lực trong nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cần tăng cường hợp tác kinh doanh với các nước Châu Á, sử dụng sản phẩm và giải pháp của các nước đó càng nhiều càng tốt.
Ngoài ra, chúng tôi cũng cần mở rộng nhà máy để tăng sản lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu để đạt doanh thu hơn 150 triệu đô la mỗi năm.
Ông có thể chia sẻ thêm một số kế hoạch chính để giúp ABB tăng thị phần tại Việt Nam?
Để phát triển ở Việt Nam, chúng tôi cần Việt Nam thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Do đó, các dự án đầu tư này phải có một mô hình kinh doanh hợp lý để thu hút đầu tư. Tại Việt Nam, ABB vẫn đang thực hiện các kế hoạch thu hút đầu tư với một mạng lưới các nhà phân phối, đối tác được ủy quyền, song song với việc mở rộng nhà máy, phát triển dịch vụ tôt và hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Đối với các nhà đầu tư quốc tế, chúng tôi cung cấp sự hỗ trợ của cả ABB Việt Nam và ABB trên toàn cầu để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng trên toàn thế giới.
Nguồn: Mai Vân – Industrial Automation Magazine Vietnam